Những tác dụng không ngờ của thói quen nghe nhạc

Những tác dụng không ngờ của thói quen nghe nhạc
Rất nhiều người trong chúng ta có thói quen nghe nhạc. Khi một ai đó hỏi chúng ta rằng tại sao lại nghe thể loại âm nhạc nào đó thì thường ta sẽ trả lời đơn giản rằng vì thích, vì nó hay, vì nó giúp ta thư giãn... Trên thực tế âm nhạc còn mang lại nhiều tác dụng hơn thế. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu nhiều hơn về tác động của âm nhạc không chỉ đến tinh thần mà còn cả thể chất của chúng ta như thế nào.

 Albert Einstein từng tuyên bố "Nếu không phải là nhà vật lý thì có lẽ tôi đã trở thành nhạc sĩ". Huyền thoại Jimi Hendrix thì gọi âm nhạc là "tôn giáo" của mình.

Trên thực tế, các nghiên cứu khoa học uy tín đã chứng minh âm nhạc có thể cải thiện sức khỏe tinh thần cũng như thể chất vật lý của chúng ta một cách đầy kinh ngạc. Nếu như bạn học đàn hoặc hát, những buổi tập có thể giúp tăng IQ cho não và thậm chí giúp trí óc chúng ta minh mẫn kể cả khi về già. Bạn không tin ư?

1. Âm nhạc khiến bạn hạnh phúc hơn.


Các nghiên cứu cho thấy khi được nghe thứ nhạc mình thích, não của bạn sẽ tiết ra dopamine, một chất tạo cảm giác nhẹ nhõm, vui vẻ, yêu đời. Valorie Salimpoor, một chuyên gia thần kinh học tại Đại học McGill đã tiến hành quét điện não đồ của 8 tình nguyện viên khi họ nghe nhạc và phát hiện thấy một lượng lớn dopamine được giải phóng. Do đó, lần tới khi muốn cải thiện tâm trạng của mình, bạn chỉ cần nghe những giai điệu yêu thích trong vòng 15 phút thôi cũng đủ rồi!

2. Âm nhạc khiến bạn chạy nhanh và bền hơn

Những tác dụng không ngờ của thói quen nghe nhạc

Nhà nghiên cứu Marcelo Bigliassi và các đồng nghiệp phát hiện thấy những vận động viên môn chạy khi nghe nhạc sôi động/tiết tấu nhanh sẽ hoàn thành 800 mét đầu tiên nhanh hơn so những người nghe nhạc chậm hoặc chạy không nhạc. Do đó, nếu như bạn muốn tập luyện đạt kết quả cao hơn, hãy nghe những ca khúc tạo cảm hứng nhé.

3. Giảm stress, tăng cường sức khỏe


Nghe nhạc có thể giúp bạn giảm nồng độ hormone gây stress có tên cortisol trong cơ thể. Đây là một phát hiện quan trọng do stress là nguyên nhân gây ra 60% các loại bệnh và ốm đau ở người. Một nghiên cứu cho thấy nếu mọi người tham gia vào các hoạt động âm nhạc một cách tích cực như chơi nhạc cụ hay hát thì hệ miễn dịch của họ cũng được tăng cường rõ rệt so với khi họ chỉ nghe nhạc một cách thụ động.

4. Ngủ ngon hơn


Trên 30% người Mỹ mắc chứng rối loạn giấc ngủ. Một nghiên cứu tiết lộ những sinh viên nghe nhạc cổ điển thư giãn 45 phút trước khi lên ngủ sẽ có giấc ngủ sâu và ngon hơn đáng kể so với những sinh viên nghe truyện hoặc không nghe gì. Do đó, nếu như bạn khó ngủ hoặc mất ngủ, hãy thử nghe nhạc của Bach hoặc Mozart nhé.

5. Ăn ít đi


Một phát hiện bất ngờ của Đại học công nghệ Georgia là việc nghe nhạc và để đèn dịu trong lúc ăn sẽ khiến các tình nguyện viên tiêu thụ ít đồ ăn và hấp thụ ít calo hơn, dù họ ăn vẫn rất ngon miệng. Vì thế, nếu như bạn đang muốn giảm cân, đừng quên tắt bớt đèn và nghe nhạc êm ái trong giờ ăn!

6. Cải thiện tâm trạng lúc lái xe


Một nghiên cứu tại Hà Lan phát hiện thấy việc nghe nhạc có thể tác động tích cực đến tâm trạng của bạn trong lúc lái xe, nhờ đó mà lái an toàn hơn so với khi không nghe nhạc. Do đó, nếu như bạn bực bội vì kẹt xe, hãy bật giai điệu yêu thích lên để xả stress!

7. Tăng cường trí nhớ và khả năng học hỏi

Những tác dụng không ngờ của thói quen nghe nhạc

Các nhà nghiên cứu cũng nhận ra âm nhạc có thể giúp bạn học và hồi nhớ thông tin tốt hơn, nhưng kết quả còn tùy thuộc vào mức độ mê nhạc của bạn đến đâu. Các chủ thể được yêu cầu vừa ghi nhớ các nhân vật trong truyện tranh Nhật Bản vừa nghe nhạc. Kết quả cho thấy, những người được nghe dòng nhạc yêu thích của mình sẽ ghi nhớ tốt hơn so với những người chỉ được nghe dòng nhạc trung tính.

8. Thư giãn cho bệnh nhân trước/sau khi phẫu thuật


Việc nghe nhạc thư giãn trước khi phẫu thuật giúp giảm căng thẳng, lo lắng và còn hiệu quả hơn cả thuốc an thần Midazolam mà các bác sĩ vẫn thường cho bệnh nhân uống tiền phẫu, bởi Midazolam có tác dụng phụ là gây ho hoặc nôn ói. Một số nghiên cứu khác thì khẳng định nghe các loại nhạc êm dịu khi nằm trên giường hậu phẫu sẽ giúp tăng mức độ thư giãn, dễ chịu cho bệnh nhân.

9. Giảm đau


Không chỉ hàn gắn nỗi đau tinh thần mà âm nhạc còn có thể giảm đau theo đúng nghĩa đen. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Drexel, Philadelphia phát hiện thấy trị liệu bằng âm nhạc có thể giúp giảm đau hiệu quả hơn so với phương pháp điều trị thông thường dành cho bệnh nhân ung thư.

10. Giúp đẩy nhanh tiến trình phục hồi ở bệnh nhân đột quỵ


Các nhà nghiên cứu của Đại học Helsinki (Phần Lan) chứng minh rằng các bệnh nhân bị đột quỵ khi được nghe dòng nhạc yêu thích trong 2 tiếng/ngày sẽ phục hồi chức năng nhận thức nhanh hơn đáng kể so với những người chỉ được nghe kể chuyện hoặc không nghe nhạc. Hầu hết các bản nhạc đều có lời, điều này gợi ý rằng sự kết hợp của nhạc và giọng nói sẽ giúp tăng cường trí nhớ ngôn ngữ cho bệnh nhân.

11. Giúp tăng IQ và học giỏi hơn

Những tác dụng không ngờ của thói quen nghe nhạc

Những trẻ em được học nhạc từ bé sẽ có xu hướng có chỉ số IQ và kết quả học tập tốt hơn so với các trẻ bình thường. Trong một nghiên cứu, một nhóm trẻ 6 tuổi tham gia học đàn organ hoặc hát trong 36 tuần đã hoàn thành các bài kiểm tra chuẩn nhanh và đạt điểm cao hơn so với những trẻ chỉ học kịch hoặc không học gì. Trong đó, nhóm trẻ học hát đạt kết quả tốt nhất.

12. Giúp não khỏe mạnh khi về già


Một nghiên cứu với người cao tuổi nhận thấy những người chơi nhạc/hát trên 10 năm sẽ có điểm nhận thức cao hơn so với những người mới chơi nhạc được 1-9 năm. Riêng nhóm không chơi bất cứ nhạc cụ nào đạt điểm thấp nhất.

Nên biết rằng nhà đầu tư thiên tài Warren Buffet vẫn duy trì đầu óc sắc sảo ở tuổi 84 nhờ chơi đàn ukulele. Do đó, không bao giờ là quá muộn để bạn học chơi 1 loại nhạc cụ cả.

13. Ngoài ra thói quen nghe nhạc còn cho biết sức khỏe tâm thần của bạn


Những tác dụng không ngờ của thói quen nghe nhạc

Các nhà nghiên cứu ở Trung tâm Nghiên cứu Âm nhạc Liên ngành (Centre for Interdisciplinary Music Research) tại trường Đại học Jyväskylä (University of Jyväskylä), trường Đại học Aalto (Aalto University) ở Phần Lan và trường Đại học Aarhus (Aarhus University) ở Đan Mạch đã quyết định tìm hiểu mối liên hệ giữa sức khỏe tâm thần, thói quen nghe nhạc và các phản ứng nơ-ron bằng cách xem qua dữ liệu hỗn hợp về hành vi và ảnh chụp nơ-ron.

“Một số cách đối phó với cảm xúc tiêu cực, như sự trầm ngâm, có nghĩa là liên tục nghĩ đi nghĩ lại những điều tiêu cực, thì dẫn đến sức khỏe tâm thần yếu kém. Chúng tôi muốn nghiên cứu để biết rằng có hay không những tác động tiêu cực tương tự từ một số phong cách nghe nhạc,” Emily Carlson, một bác sĩ chuyên khoa tâm thần và là tác giả chính của nghiên cứu này, cho biết.

Những người tham gia được đánh giá nhiều điểm về sức khỏe tâm thần bao gồm cả sự trầm cảm, lo âu, và tình trạng loạn thần kinh (neuroticism); và những cách mà họ thường nghe nhạc để điều tiết cảm xúc được báo cáo lại. Phân tích dự liệu cho thấy mức độ trầm cảm, lo âu, và tình trạng loạn thần kinh cao hơn ở những người có xu hướng nghe nhạc buồn hay nhạc sôi động để bày tỏ cảm xúc tiêu cực, đặc biệt là đối với nam giới.

Để nghiên cứu quy trình điều tiết cảm xúc không ý thức của não bộ, các nhà khoa học đã chụp lại hoạt động nơ-ron của những người tham gia khi họ nghe các đoạn nhạc vui vẻ, nhạc buồn và nhạc ghê sợ bằng cách sử dụng kỹ thuật chụp cộng hưởng từ (fMRI-functional magnetic resonance imaging) tại Trung tâm AMI của Đại học Aalto (AMI Center of Aalto University). Phân tích dự liệu cho thấy nam giới mà có xu hướng nghe nhạc để bày tỏ các cảm xúc tiêu cực thì các hoạt động tại vỏ não giữa trán (mPFC – medial prefrontal cortex) ít hơn. Tuy nhiên, phụ nữ mà có xu hướng nghe nhạc để quên đi các cảm xúc tiêu cực, thì các hoạt động tại vỏ não giữa trán (mPFC) tăng cao. Theo Giáo sư Elvira Brattico, đồng tác giả của nghiên cứu này: “Các kết quả này cho thấy có mối liên hệ giữa phong cách nghe nhạc và việc kích hoạt mPFC (vỏ não giữa trán), điều này cũng có nghĩa là một số phong cách nghe nhạc nhất định có ảnh hưởng lâu dài đến não bộ.” Vậy nên bạn hãy chú ý đến phong cách nghe nhạc hiện tại của mình đi nhé!
 
Bài viết gốc theo Thiên Ý/vietnamnet.vn
(Đã biên tập và chỉnh sửa đôi chút so với bài gốc!)

0/

Mong sẽ nhận được sự giúp đỡ của các bạn để logictrochoi ngày một hoàn thiện.

» Càng nhiều bình luận càng nhiều bài viết mới.

» Nếu phát hiện có vấn đề gì về câu đố hoặc blog xin hãy góp ý.

» Khuyến khích viết Tiếng Việt có dấu!

» Tạo chữ <b>Đậm</b> và <i>Ngiêng</i>

Mới hơn Cũ hơn